Kết quả tích cực trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện

Trên cơ sở kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 23/3/2016, UBND huyện tiếp tục ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 30/5/2018, về triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020.

Để triển khai kế hoạch, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn chủ động, tích cực phối hợp với các đoàn thể nhằm thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; kịp thời đưa tin, phản ánh những mô hình, cách làm hay, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện để nhân rộng trong nhân dân; triển khai lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển, huy động các nguồn vốn trong nhân dân, từ đó tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi, nhất là nguồn nước kênh 812-Sông Quao để mở rộng diện tích canh tác, tăng vụ; thực hiện Đề án thủy lợi nhỏ của huyện, phát dọn khơi thông sông suối đảm bảo tưới tiêu đã góp phần nâng diện tích gieo trồng chủ động tưới lên trên 90%; các cây trồng lợi thế tiếp tục được đầu tư, phát triển và hình thành vùng sản xuất chuyên canh, như cây lúa với diện tích canh tác 9.000ha, cây thanh long 9.000ha, cây cao su 1.530ha, cây cà phê 1.780ha, cây điều 1.550ha, cây ăn trái các loại 2.000ha, cây rau các loại 120ha…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa bước đầu đã phát huy hiệu quả, hàng năm triển khai trên 500ha. Huyện tập trung giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, nhất là đồng bào đang thiếu đất sản xuất… hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ đầu tư ứng trước trồng cao su, bắp lai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chăn nuôi cơ bản giữ được ổn định, đàn trâu bò có khoảng 40.937 con, heo 24.297 con, dê cừu 8.496 con và đàn gia cầm khoảng 529.640 con. Một số mô hình trang trại nuôi heo công nghiệp, bán công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển.

Công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Trong thời gian qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất lúa, chương trình 135, sự nghiệp nông nghiệp của huyện và nguồn kinh phí các đơn vị liên quan khác đã triển khai hơn 60 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả; tổ chức hơn 710 lớp tập huấn kỹ thuật, 120 buổi hội thảo với hơn 36.000 lượt người tham dự, giúp nông dân áp dụng rộng rãi vào sản xuất; bước đầu thu hút đầu tư một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Công tác đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ban hành, có hiệu lực, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thành chuyển đổi, giải thể các hợp tác xã yếu kém, vận động thành lập mới hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012, nâng lũy kế trên địa bàn huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp; các hợp tác xã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các dịch vụ nông nghiệp và tạo ra sản phẩm mới (rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo), chủ động liên kết để tạo ra chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ thanh long an toàn, trong đó, điển hình như Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến – Hàm Liêm, Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, HTX thanh long Ninh Thuận 9 - xã Hàm Chính, HTX thanh long Hồng Sơn, HTX thanh long Phú Hội- xã Hàm Hiệp, HTX thanh long Hàm Đức... Kinh tế trang trại ngày càng mở rộng, toàn huyện hiện có 115 trang trại trồng trọt, 05 trang trại chăn nuôi, 22 trang trại tổng hợp, bình quân 718ha /trang trại, với gần 560 lao động thường xuyên, tổng doanh thu bình quân hàng năm 160,68 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Các cụm công nghiệp Ma Lâm, Phú Long, Hàm Đức, Hàm Liêm tiếp tục mở rộng, thu hút đầu tư góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu các doanh nghiệp và thị trường lao động đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Với những kết quả tích cực trong giai đoạn đầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là đòn bẩy để huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp thiết thực, sáng tạo và hiệu quả, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và nâng cao hơn nữa thu nhập người dân trong thời gian đến. Trong đó, năm 2020, huyện ta tập trung chỉ đạo thực hiện 03 nhiệm vụ quan trọng, được xem là “trụ cột” trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành đến đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể nòng cốt là các Hợp tác xã. Tập trung củng cố, thành lập mới các HTX nông nghiệp trên địa bàn, theo hướng phấn đấu mỗi xã có ít nhất 01 hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn (ít nhất 50 thành viên), tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của xã, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình hợp tác xã trong nước hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Tổ chức đối thoại với hợp tác xã nhằm tìm hiểu, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo cầu nối liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh cho hợp tác xã ngày càng có hiệu quả hơn.

2. Tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng quy trình sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu.

Đối với cây thanh long, cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ, các chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, quản lý hiệu quả bệnh đốm nâu, bệnh thối rễ khô cành, tuyến trùng rễ. Thực hiện sản suất thanh long theo các tiêu chuẩn GAP.

Đối với cây ăn quả khác, phát triển vùng cây ăn trái tại xã Đa Mi, các vùng có điều kiện thích hợp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Qua đó, có điều kiện tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đối với cây lúa, sản xuất tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ; áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo, giảm phân đạm, giảm thuốc trừ sâu hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch); khảo nghiệm, từng bước đưa một số giống lúa chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế hơn.

Đối với cây bắp lai, tập trung ở 03 xã vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ và trên diện tích đất lúa chuyển đổi. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, áp dụng tưới bổ sung, sử dụng giống có năng suất (trên 10 tấn/ha/vụ), chất lượng cao, chịu hạn, thích ứng với điều kiện thời tiết của địa phương.

Đối với cây rau, quả thực phẩm, chú ý khuyến khích đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học trong trồng và chăm sóc rau an toàn. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp cao trong lĩnh vực sản xuất, chế biến rau, quả an toàn phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.

Đối với chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại, doanh nghiệp với quy mô phù hợp, đồng thời kết hợp chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi nhất thiết phải gắn với bảo vệ môi trường và kết hợp giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030 theo Kế hoạch 224/KH-UBND ngày 26/12/2019 của UBND huyện. Đồng thời tổ chức rà soát, đề xuất các sản phẩm mang tính truyền thống, đặc trưng của địa phương để lựa chọn đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ví dụ như rau xà lách xoong, rau húng Phú Long; hạt dưa, hạt bí rang Hồng Liêm...

3. Tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đồng thời liên kết chặt chẻ với nông dân thông qua các hợp tác xã. Triển khai có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã và xây dựng liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ.














TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Diện mạo huyện Hàm Thuận Bắc sau 40 năm thành lập
  • Phiêu du trên hồ Hàm Thuận
  • Ước Mơ Từ Làng Tập 37 - Huỳnh Thanh Lâm, lớp 12C3 trường THPT Hàm Thuận Bắc
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang