Theo ghi nhận của Cục An toàn thông
tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 5/2024, trên không gian
mạng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo táo tợn, mạo danh cả các tổ chức
Nhà nước để chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người dung bị sập bẫy.
Các hình thức lừa đảo thông qua những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam
đã đưa ra cảnh báo về các hình thức lừa đảo thông qua những dịch vụ
liên quan tới ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Người dân được khuyến
cáo đề cao cảnh giác khi bắt gặp những dịch vụ này trong quá trình sử
dụng các nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể, thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện một kênh TikTok mang tên "VssID - Hỗ trợ BHXH". Kênh TikTok
này thường xuyên đăng tải các video về cách thức lấy lại mật khẩu đăng
nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng không nhớ hoặc bị mất. Bên
cạnh đó, kênh này cũng quảng bá dịch vụ thay đổi thông tin cá nhân như
số điện thoại, email, địa chỉ... đi kèm một khoản phí nhất định với
những ưu đãi hấp dẫn.
Theo phản ánh của người dùng, sau khi đưa
thông tin cần thiết để sử dụng dịch vụ, họ không nhận được hồi âm nên đã
không chuyển tiền cho đối tượng.
Sau khi tiếp nhận những lời phản ánh, Bảo
hiểm xã hội thành phố Hà Nội khẳng định, dịch vụ mà kênh TikTok này cung
cấp là trái với pháp luật. Theo quy định, người dân sẽ không mất bất kỳ
một khoản phí nào khi sử dụng dịch vụ cấp lại mật khẩu hoặc thay đổi
thông tin cá nhân của tài khoản VssID.
Hướng dẫn cách lấy lại mật khẩu VssID
Trước tình hình lừa đảo diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin
khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp
những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID trên các nền tảng mạng xã
hội. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống hoặc
trực tiếp đến với các cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.
Người dân chỉ nên tải ứng dụng VssID thông qua hệ thống cửa hàng trực tuyến
như CH Play (đối với hệ điều hành Android) và App Store (đối với hệ
điều hành iOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VssID từ các nguồn
không xác định, những nguồn link lạ. Người dân tuyệt đối không cung cấp
thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ "cài đặt ứng
dụng từ nguồn không xác định" trên điện thoại thông minh.
Chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội
Theo Cục An toàn thông tin, hiện nay, tình
trạng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện diễn ra ngày càng nhiều,
khiến cho số lượng nạn nhân ngày một tăng lên. Đối tượng thường lợi dụng
lòng tốt của những nhà hảo tâm để trục lợi về phía mình.
Lực lượng công an cho biết, đối tượng lừa
đảo có thể lập nhiều tài khoản giả mạo, để hình đại diện là những tổ
chức từ thiện uy tín. Bằng những tài khoản này, đối tượng đăng tải các
bài viết có nội dung về những người có số phận bất hạnh, sau đó đính kèm
số tài khoản chính thống của các tổ chức từ thiện. Tiếp theo, đối tượng
vào phần bình luận, nói là số tài khoản trên bài bị lỗi và để số tài
khoản của mình để người truy cập ủng hộ. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh
giác, nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản của
đối tượng lừa đảo.
Có thể thấy, tình hình lừa đảo chiếm đoạt
tài sản trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó lường với nhiều thủ
đoạn mới, hết sức tinh vi. Để đấu tranh với các loại hình lừa đảo này,
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ về các hoạt
động từ thiện và hỗ trợ trên mạng xã hội. Đây là một hiện trạng đáng lên
án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chuộc lợi, gây mất
niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Do đó,
để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện
nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ
xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ
chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,
cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Giả mạo quỹ đầu tư PYN Lite để lừa đảo
Cục An toàn thông tin cho biết, trên mạng
xã hội thời gian qua lần lượt xuất hiện nhiều fanpage, nhóm chat giả
danh các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhằm dụ dỗ các nạn nhân tham
gia gửi tiền.
Theo đó, một số đối tượng lừa đảo đã mạo
danh quỹ PYN Lite để kêu gọi người dân đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ban đầu, dưới danh nghĩa các chuyên gia, các đối tượng tiếp cận và giới
thiệu với nạn nhân về các khóa học đầu tư. Sau đó, các đối tượng thêm
nạn nhân vào các nhóm chat trên Zalo, Telegram.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng phương pháp hết sức tinh vi như tạo ra ứng dụng giả mạo
Pyn Smart, tạo ra website giả mạo với giao diện giống hệt website gốc,
lập các tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa các công ty PYN Lite giả mạo
để tạo dựng độ uy tín nhằm lợi dụng sự bất cẩn của người dân.
Ông Petri Deryng - nhà sáng lập quỹ PYN
Elite, cho biết: "Quỹ PYN Elite thu hút vốn đầu tư 100% từ các nhà
đầu tư Phần Lan vào tài khoản ngân hàng tại Phần Lan. Các tài
khoản ngân hàng tại Việt Nam được đặt dưới tên của quỹ đều là lừa
đảo. Hãy lưu ý không chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo này
tại Việt Nam. PYN Elite chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán
Việt Nam và không thực hiện bất kỳ hình thức kinh doanh hay
tiếp thị nào ở Việt Nam. Tất cả các nhóm chat và website bằng
tiếng Việt lấy tên của quỹ đều là giả mạo".
Để phòng tránh những hành vi lừa đảo kể
trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước
những lời mời gọi đầu tư từ người lạ, cần phải tìm hiểu thật kỹ danh
tính đối tượng, mức độ chính thống của các dự án đầu tư. Người dân tuyệt
đối không truy cập, tải các ứng dụng từ đường link lạ, chỉ truy cập vào
các đường link xuất hiện trên các trang điện tử, website chính thống.
Nếu gặp những trường hợp tương tự, người dân cần chủ động liên hệ ngay
với các cơ quan chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi
chiếm đoạt tài sản.