Vị trí
địa lý: Đa Mi là xã miền núi vùng cao thuộc huyện Hàm
Thuận Bắc, mới được thành lập trên cơ sở
tách ra từ xã La Dạ theo Nghị định số 89/2001/NĐ- CP ngày 22/11/2001 của Chính
phủ. Vị trí địa lý của xã nằm cách trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc trên 60 km về
phía Tây Bắc và giáp ranh với các đơn vị hành chính sau: Phía Bắc giáp tỉnh Lâm
Đồng, phía Nam giáp xã La Dạ, phía Đông giáp xã Đông Tiến, phía Tây giáp huyện
Tánh Linh.
Hành chính: Xã Đa Mi thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình
Thuận. Toàn xã có 04 thôn:
Đaguri, La Dày, Đa Tro, Đa Kim. Địa chỉ trụ sở cơ quan tại Thôn Đa Tro, xã Đa
Mi. Email: dami@hamthuanbac.binhthuan.gov.vn
Địa hình- khí hậu, thời tiết: Đa
Mi là xã nằm ở vị trí địa đầu, xa nhất
trong các xã của huyện Hàm Thuận Bắc, với tổng diện tích 13.838,81 ha. Địa hình
chia cắt, giao thông đi lại tương đối khó khăn. Ngoài một số tuyến đường của thủy
điện Hàm Thuận – Đa Mi, hiện mới chỉ có tuyến đường quốc lộ 55 chạy theo suốt
chiều dài từ phía Nam lên phía Bắc, cửa ngõ thông thương sang tỉnh Lâm Đồng và
một số tuyến đường khu vực liên thôn. Đa Mi còn được bao bọc bởi những cánh rừng
bạc ngàn và những hồ nước mênh mông của lòng hồ thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận.
Bên cạnh, những cung đường quanh co uốn lượn theo dọc tuyến đường Quốc lộ 55
thì nơi đây còn rất nhiều những phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp như thác 9 tầng,
thác sương mù…Khi đi từ phan Thiết lên chúng ta chống chọi với cái nóng của
vùng nhiệt đới Bình Thuận thì đến với ranh giới địa phận của Đa Mi sẽ cảm nhận
được không khí mát mẻ, trong lành bởi nó
là sự kết
hợp giữa khí hậu nhiệt đới của Bình Thuận và Ôn đới của Lâm Đồng. Khí hậu được
chia thành 02 mùa rõ rệt trong năm: Mùa mưa
từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4.
Kinh tế: Đa Mi là xã thuần nông, người
dân trồng chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn trái. Với khí hậu ôn hòa, đất đai
màu mỡ nên nơi đây rất thích hợp với một số loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ.
Mít, măng cụt…. Trong những năm gần đây, Đa Mi chọn cây chủ lực của xã là cây
cà phê, sầu riêng. Hiện Đa Mi đã thành công khi có một hộ đưa sản xuất rau công
nghệ cao vào thí điểm, có 04 doanh nghiệp và 140 cơ sở kinh doanh mua bán phục
vụ nhu cầu đời sống của nhân dân. Bên cạnh những thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu
thì Đa Mi còn có nhiều tiềm năng về du lịch chưa được khai thác.
Xã hội: Người dân ở xã Đa Mi chủ yếu là
dân di cư tự do từ các tỉnh thành khác. Một số hộ đi theo công trình thủy điện
Hàm Thuận – Đa Mi để buôn bán, lao động và đến khi công trình hoàn thành thì họ định cư và sinh sống tại
đây. Theo thống kê năm 2022, dân số toàn xã trên 4.322 người. Trên địa bàn xã
có nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, K’ho, Mường, Nùng, Thái, Hoa, Khơ me
… Trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số 94%. Đa số người dân của xã theo một số tôn
giáo chính như: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành. Trên địa bàn xã hiện có
07 điểm sinh hoạt tôn giáo ( Phật giáo 01 điểm, Tin lành 01 điểm, Thiên chúa
giáo 05 điểm).