MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN.
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số
133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Quốc hội quyết nghị ngày bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.
Nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân có điều kiện
tìm hiểu quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân, phòng Văn hóa và Thông tin xin giới thiệu một số nội dung cơ bản
của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 25
tháng 6 năm 2015 như sau:
1. Tuổi
bầu cử và tuổi ứng cử được quy định như thế nào?
Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định:
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi
mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu
Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
1. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Luật
tổ chức Quốc hội như sau:
(1) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu
thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh.
(2) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh
chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và
các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức
khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
(5) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân
dân, được Nhân dân tín nhiệm.
(6) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
2. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định
tại Luật tổ chức chính quyền địa phương như sau:
(1) Trung
thành với Tổ quốc, Nhân dân và
Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(2) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền
và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức
khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều
kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
(5) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của
Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
3. Hồ sơ ứng cử và thời
gian nộp hồ sơ ứng cử được quy định như thế nào?
Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định hồ sơ ứng cử và thời gian nộp
hồ sơ ứng cử như sau:
1. Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân
dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước
ngày bầu cử.
2. Hồ sơ ứng cử bao gồm:
a) Đơn ứng cử;
b) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị
có thẩm quyền;
c) Tiểu sử tóm tắt;
d) Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật
về phòng, chống tham nhũng.
3. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn thi hành Điều này.
4. Nộp
hồ sơ ứng cử quy định như thế nào?
Điều 36 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định:
1. Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội
được thực hiện như sau:
a) Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,
tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới
thiệu ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia;
b) Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,
tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp,
tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ
sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở
tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên;
c) Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu
thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh
sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu
nhập của người được giới thiệu ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh
chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa
phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản
sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu
ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh,
để đưa vào danh sách hiệp thương.
2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ
ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn
vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại
biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc
công tác thường xuyên ở địa phương đó.
Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử,
người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy
định của Luật này thì Ủy ban bầu
cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai
tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp
để đưa vào danh sách hiệp thương.
3. Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng
nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại
biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở
một cấp.
5. Những trường hợp nào không
được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?
Theo Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân, những trường hợp sau đây không
được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân:
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định
của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người
bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa
án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của
Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào
cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại
xã, phường, thị trấn.
6. Danh sách người ứng cử được niêm yết khi nào?
Niêm yết danh sách người ứng cử được quy định tại Điều 59
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như
sau:
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm
yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu
Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu.
7. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu
Hội đồng nhân dân bị xóa tên trong những trường hợp nào?
Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định:
1. Người có tên trong danh
sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử
quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt,
giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm
nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người
đó trong danh sách những người
ứng cử đại biểu Quốc hội.
2. Người có tên trong danh
sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt
đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng
lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử
thì Ủy ban bầu cử, sau khi
thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người
đó trong danh sách những người
ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
8. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân
dân quy định như thế nào về đơn vị bầu cử?
Điều 10 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân quy định:
1. Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu
theo đơn vị bầu cử.
2. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các
đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.
Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng
đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do
Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và
được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
3. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các
đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được chia thành
các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Xã, phường, thị trấn
được chia thành các đơn vị bầu
cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi
đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử
ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân
dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
4. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba
đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá năm
đại biểu.
9. Khu vực bỏ phiếu được quy định như thế nào?
Điều 11 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định:
1. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại
biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử
đại biểu Quốc hội đồng thời là
khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri.
Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa
có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.
3. Các trường hợp có
thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng:
a) Đơn vị vũ trang nhân dân;
b) Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc
người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên;
c) Cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại
tạm giam.
4. Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và
được Ủy ban nhân dân cấp huyện
phê chuẩn. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác
định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân
dân huyện quyết định.
10. Nguyên tắc lập danh sách cử tri được quy định như thế
nào?
Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định:
1. Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh
sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ trường hợp người đang bị tước quyền
bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị
kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình
phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì
không được ghi tên vào danh sách cử tri.
2. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở
nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
3. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú
tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân
dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội
đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
4. Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong
khoảng thời gian từ sau khi
danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ,
thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã
xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử
tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp
tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu
đại biểu Quốc hội và đại biểu
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
(nêu xuất trình tại nơi đăng ký
tạm trú).
5. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang
chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện
pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
11. Những
trường hợp nào không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử
tri?
Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên
vào danh sách cử tri, như sau:
1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định
của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời
gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án
treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử
tri.
2. Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này
nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu
cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân
sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định.
3. Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm
yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi
thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách
cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào
danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội
đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi
khác với đơn vị hành chính cấp
xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu
cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và
bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại
biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
4. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang
chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc,
nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết
thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh
sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện
bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu
đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc
được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc
hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
5. Người đã có tên trong danh
sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải
chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó
trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
12. Cơ quan nào có thẩm quyền lập danh sách cử
tri?
Điều 31 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định thẩm quyền lập danh sách cử tri như sau:
1. Danh sách cử tri do Ủy
ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.
Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn
thì Ủy ban nhân dân huyện có
trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.
2. Danh sách cử tri trong đơn
vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập
theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu
nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực
đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào
danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng
nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi
ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó
cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.
13. Danh
sách cử tri được niêm yết khi nào?
Điều 32 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân quy định niêm yết danh sách cử tri như sau:
Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh
sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của
khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm
yết để Nhân dân kiểm tra.
14. Khiếu
nại về danh sách cử tri được quy định như thế nào?
Khiếu nại về danh sách cử tri được quy định tại Điều 33 Luật
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót
thì trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử
tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong
thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri
phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải
quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết
thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố
tụng hành chính.
15. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân
dân quy định như thế nào về bỏ phiếu ở nơi khác?
Bỏ phiếu ở nơi khác được quy định tại Điều 34 của Luật như
sau:
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử
tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào
danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách
cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại
biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia
bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân
dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa
phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
16. Nguyên tắc bỏ phiếu được quy định như thế nào?
Nguyên tắc bỏ phiếu được quy định tại Điều 69 Luật Bầu cử
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và
bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác
bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu
cử phải xuất trình thẻ cử tri.
3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người
khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật
phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được
thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không
thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến
chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri
để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang
bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ
sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai
nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang
bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến
trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành
viên Tổ bầu cử.
6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng
dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
17. Thời gian bỏ phiếu được quy định như thế nào?
Thời gian bỏ phiếu được quy định tại Điều 71 Luật Bầu cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
1. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối
cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu
việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn
hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
2. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu
trước sự chứng kiến của cử tri.
3. Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn
việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên
quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải
có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
18. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân
dân quy định như thế nào về phiếu bầu hợp lệ?
Phiếu bầu không hợp lệ được quy định như sau:
1. Những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:
a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
c) Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu
được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
d) Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
đ) Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng
cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
2. Trường hợp có phiếu bầu được cho là không
hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử
không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.