Đến dự lễ kỷ niệm có Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cùng hàng trăm đại biểu ban ngành của tỉnh, đông đảo người dân H.Hàm Thuận Bắc.
Đọc
diễn văn tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện và 48 năm ngày giải
phóng quê hương Hàm Thuận, Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc
Thạch cho biết, trải qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, quê hương Hàm
Thuận (tách thành 2 H.Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam từ năm 1983), H.Hàm
Thuận Bắc đã đi lên từ những khó khăn thử thách. Khi tái thành lập
huyện, có gần 70% hộ nghèo, thiếu ăn lúc giáp hạt, đến nay đời sống vật
chất và tinh thần của đại bộ phận người dân được cải thiện.
Thu
nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48 triệu đồng, gấp 4 lần so năm
1995, trước khi có công trình thủy lợi hồ Sông Quao, hộ nghèo và cận
nghèo chỉ còn trên 4%.
H.Hàm Thuận Bắc
được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân vào năm 1978; ngoài ra còn có 3 đơn vị lực lượng vũ trang cùng
14/17 xã, thị trấn và 10 cá nhân cũng được tuyên dương danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Riêng xã Hàm Liêm được tuyên
dương Anh hùng lực lượng vũ trang từ năm 1972; toàn huyện Hàm Thuận Bắc
có 798 Mẹ Việt Nam anh hùng, là địa phương có số Mẹ Việt Nam anh hùng
nhiều nhất tỉnh Bình Thuận.
Tuy
nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thạch cũng cho rằng, mặc dù nền kinh tế của
huyện cũng như đời sống vật chất của người dân đã được nâng cao rõ rệt,
nhưng Hàm Thuận Bắc vẫn là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế còn
chậm so với các địa phương khác của tỉnh: Tỷ trọng nông nghiệp cao, nền
công nghiệp, dịch vụ, du lịch còn phát triển chậm, hạ tầng chưa đồng bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Văn An,
đã biểu dương những nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, quân dân
H.Hàm Thuận Bắc trong thời gian qua. Ông An khẳng định quê hương Hàm
Thuận Bắc là cái nôi của căn cứ cách mạng, bất khuất kiên cường trong
suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy
Bình Thuận cho rằng Hàm Thuận Bắc đang đứng trước nhiều thời cơ đan xen
và có cả những khó khăn thách thức. Đảng bộ và chính quyền huyện cần tạo
ra sức mạnh tổng hợp, khai thác một cách hiệu quả về tài nguyên thiên
nhiên, đất đai, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp,
thu hút đầu tư vào công nghiệp một cách đồng bộ, chú trọng đời sống
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng thành công mục tiêu huyện
nông thôn mới.
Ông Dương Văn An cho rằng Hàm Thuận Bắc có đường QL1, QL28, đường sắt Bắc - Nam và sắp tới đây là tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
đi qua, huyện cần phát huy mọi tiềm lực sẵn có để thúc đẩy kinh tế,
nâng cao đời sống người dân và "không để ai ở lại phía sau".
Hàm Thuận Bắc là huyện giáp ranh với TP.Phan Thiết, phía tây bắc giáp
H.Bắc Bình và H.Di Linh (Lâm Đồng), đây là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy
Bình Thuận trong kháng chiến, nay có nhiều địa danh nổi tiếng về du lịch
như hồ Sông Quao, hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi.