Hàm Thuận Nam Tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2023

Vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng (BVR), chống phá rừng (CPR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của huyện (Ban Chỉ huy) đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2023.

Trong năm 2022, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực; Ban Chỉ huy huyện đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh, của huyện, Phương án, Kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã ban hành. Các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, kiểm tra, truy quét, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp được chủ động triển khai ở từng địa phương và từng chủ rừng, có trọng tâm, trọng điểm; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn huyện thực hiện kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm không để xảy ra điểm nóng góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng củng được quan tâm đúng mức, nâng cao hiệu quả, không để thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được triển khai bằng nhiều hình thức thiết thực.

          Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như sau:

        Số vụ vi phạm hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: (trong lĩnh vực lâm nghiệp chiếm 64,71%, lĩnh vực đất đai chiếm 50%).

Trách nhiệm của một số chủ rừng trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp có nơi còn chủ quan buông lỏng quản lý; công tác theo dõi, nắm bắt tình hình chưa kịp thời; kế hoạch bố trí lực lượng và biện pháp phối hợp để thực hiện tuần tra, kiểm soát trên lâm phần được giao còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các địa phương với đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn chưa chặt chẽ, thường xuyên và tính quyết liệt chưa cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, nổi lên 02 vụ phá rừng (xảy ra tại lô 9, khoảnh 2, tiểu khu 309, đối tượng rừng đặc dụng và tại lô 15, lô 16 và lô 19 khoảnh 4, tiểu khu 296C, đối tượng rừng sản xuất, lâm phần BQL khu BTTN Tà Kóu) với diện tích lớn, xảy ra trong thời gian dài mà đơn vị BQL khu BTTN Tà Kóu chậm phát hiện, chưa kịp thời thiết lập hồ sơ ban đầu theo biểu mẫu quy định, trách nhiệm trước hết thuộc về BQL khu BTTN Tà Kóu, đặc biệt là trạm bảo vệ rừng Thuận Quý do buông lỏng quản lý, chưa làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tại gốc; không có biện pháp phối hợp ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.

Triển khai nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng và các địa phương tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các cấp, các ngành nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, tiếp thu và thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại hội nghị của Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh.

Duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả của Ban Chỉ huy các cấp; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của từng đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để xảy ra việc các tập thể, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, về lợi ích của rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực đất đai đến các tầng lớp nhân dân biết, thực hiện; vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; khuyến khích động viên Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm. Chú trọng việc phát hiện, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp; các Tổ, Đội về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, các Tổ kiểm tra, xử lý liên ngành của huyện trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR và chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng, chống lấn, chiếm đất lâm nghiệp ở các khu vực trọng điểm; tổ chức rà soát, lập chốt bảo vệ rừng ở các khu vực xung yếu, khu vực giáp ranh giữa các huyện, tuyến giao thông trọng điểm thường xảy ra vi phạm, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa chủ rừng, UBND xã và Hạt Kiểm lâm theo Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của UBND tỉnh và Quy chế phối hợp số 42/QCPH-QS-CA-BP-KL-NN&PTNT ngày 01/12/2020 giữa lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Tân Thành, Hạt Kiểm lâm, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện Nghị định 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ nhằm huy động lực lượng đủ mạnh trong tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

                                                                                   Thanh Nhã 

Tin liên quan
  • Nhân giống lươn mang lại kinh tế khá
  • Vui mùa lúa mới
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang