image banner
9 quy tắc giúp tạo và quản lý thông tin đăng nhập an toàn

Mật khẩu mạnh là chìa khóa dẫn tới sự an toàn, bảo mật. Thách thức ở đây là cần tạo ra mật khẩu mạnh mà người dùng có thể ghi nhớ, đồng thời tránh những thói quen xấu có thể gây rủi ro cho người dùng như việc tái sử dụng mật khẩu cho nhiều tài khoản. Câu hỏi đặt ra là vậy người dùng có thể nhớ được bao nhiêu mật khẩu? Theo LogMeln, nhà cung cấp trình quản lý mật khẩu LastPass, người dùng có thể dễ dàng có 85 mật khẩu cho tất cả mọi tài khoản, từ ngân hàng cho đến ghi hình trực tuyến lên các phương tiện truyền thông.

Mật khẩu yếu hoặc lạm dụng việc tái sử dụng mật khẩu có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu dữ liệu của người dùng bị tấn công ngay cả khi sử dụng mật khẩu mạnh. Ví dụ, các tổ chức/doanh nghiệp đã báo cáo 5.183 vụ rò rỉ thông tin năm 2019, tiết lộ thông tin cá nhân như thông tin đăng nhập và địa chỉ nhà, từ đó tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc đánh cắp danh tính người dùng. Trong năm 2017, tin tặc đã công bố 555 triệu mật khẩu bị đánh cắp lên trang web đen (dark web), mà tội phạm có thể sử dụng để xâm nhập tài khoản của người dùng.

Việc đảm bảo an toàn cho mật khẩu có thể không hoàn toàn ngăn chặn dữ liệu của người dùng bị rò rỉ, nhưng đó là cách thực tế nhất giúp người dùng giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro. Dưới đây là 9 quy tắc để tạo, quản lý, đảm bảo an toàn cho mật khẩu và cách nhận biết biết tài khoản có bị đánh cắp hay không.

Quy tắc 1: Sử dụng trình quản lý mật khẩu để theo dõi mật khẩu

Mật khẩu mạnh có đặc điểm dài hơn 8 ký tự, khó đoán, chứa nhiều loại ký tự, số và ký hiệu đặc biệt. Những mật khẩu tốt có thể khó nhớ, đặc biệt nếu người dùng sử dụng thông tin đăng nhập riêng biệt cho các trang web khác nhau (phương pháp được khuyến nghị). Đây là lý do mà trình quản lý mật khẩu ra đời.

Trình quản lý mật khẩu đáng tin cậy như 1Password hoặc LastPass có thể tạo và lưu trữ các mật khẩu dài, mạnh và an toàn cho người dùng, ngay cả trên máy tính hay điện thoại.

Một lưu ý nhỏ là người dùng vẫn cần ghi nhớ một mật khẩu chính duy nhất để mở khóa tất cả các mật khẩu khác. Do vậy, hãy đảm bảo rằng mật khẩu chính là mạnh nhất có thể (dưới đây sẽ có các hướng dẫn cụ thể).

Thực tế, trình duyệt như Chrome và Firefox cũng có trình quản lý mật khẩu. Tuy nhiên, trang tin TechRepublic lại bày tỏ sự lo ngại về cách các trình duyệt này đảm bảo an toàn cho những mật khẩu lưu trữ và khuyến khích sử dụng ứng dụng chuyên dụng thay thế.

Các trình quản lý mật khẩu với duy nhất một mật khẩu là mục tiêu thu hút tin tặc và tất nhiên các trình quản lý cũng không thể hoàn hảo. LastPass đã vá một lỗ hổng vào tháng 9/2019 có thể dẫn đến rò rỉ thông tin đăng nhập của khách hàng. Để giữ uy tín, công ty đã công khai minh bạch khai thác này và các bước cần thực hiện trong trường hợp bị tấn công.

Quy tắc 2: Ghi thông tin đăng nhập ra giấy

Đề xuất này trông có vẻ như đi ngược lại với những gì được nghe về bảo mật trực tuyến. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn sử dụng trình quản lý mật khẩu. Ngay cả những chuyên gia bảo mật hàng đầu như tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lợi số (Electronic Frontier Foundation - EFF) đã khuyến cáo rằng, giữ thông tin đăng nhập trên giấy hoặc sổ ghi chú là một cách hữu hiệu để theo dõi thông tin đăng nhập.

Lưu ý, giấy được nhắc đến là giấy thực sự theo cách truyền thống, không phải tài liệu điện tử như tệp Word hay bảng tính Google, bởi vì nếu một ai đó truy cập máy tính hay tài khoản online của người dùng, họ cũng có thể truy cập các file điện tử ghi thông tin mật khẩu.

Tất nhiên, cũng có thể có người đột nhập và lấy được mật khẩu ghi trên giấy, nhưng điều này thường ít xảy ra hơn. Ở công ty hay ở nhà, cần giữ giấy ghi mật khẩu ở nơi an toàn. Giới hạn số người biết nơi để giấy ghi mật khẩu, đặc biệt là thông tin đăng nhập các trang web tài chính.

Nếu thường xuyên phải đi lại, việc mang theo giấy ghi mật khẩu sẽ mang lại rủi ro lớn nếu để nhầm hoặc đánh mất.

Quy tắc 3: Phát hiện mật khẩu đã bị rò rỉ hay chưa

Người dùng khó có thể hoàn toàn ngăn chặn việc mật khẩu khỏi rò rỉ ra ngoài, có thể là qua sự cố rò rỉ thông tin, hoặc qua một tấn công độc hại. Nhưng người dùng có thể kiểm tra các dấu hiệu cho thấy tài khoản có thể bị xâm phạm bất cứ lúc nào.

Công cụ Firefox Monitor của Mozilla và Password Checkup của Google có thể cho thấy địa chỉ email và mật khẩu nào của người dùng có thể bị xâm nhập trong các sự cố rò rỉ thông tin. Từ đó, người dùng biết khi nào cần có những biện pháp hành động thích hợp. Công cụ Have I Been Pwned cũng có thể cho biết liệu email và mật khẩu của người dùng đã bị rò rỉ hay chưa.

Quy tắc 4: Tránh những từ và tổ hợp ký tự phổ biến trong mật khẩu

Mục đích trong việc tạo mật khẩu mạnh là để thiết lập một mật khẩu mà không ai khác có thể biết hoặc dễ dàng đoán được, như tránh xa các cụm từ phổ biến như "password""mypassword" và các dãy kí tự dễ đoán như "qwerty" hay "thequickbrownfox".

Ngoài ra, tránh sử dụng tên, biệt danh của chính mình, tên thú cưng, ngày sinh hay ngày kỷ niệm, tên đường phố hay bất cứ thứ gì liên quan đến người dùng mà ai đó có thể tìm thấy từ phương tiện truyền thông, hay từ những cuộc trò chuyện giữa người dùng với một người lạ.

Quy tắc 5: Sử dụng ít 8 ký tự cho mật khẩu mạnh

8 ký tự là con số ít nhất để có thể tạo một mật khẩu mạnh, nhưng càng dài thì càng tốt. Tổ chức EFF cùng với chuyên gia bảo mật người Mỹ Brian Krebs và nhiều chuyên gia khác, đã khuyến nghị người dùng sử dụng một cụm mật khẩu từ 3 hoặc 4 từ ngẫu nhiên nhằm tăng tính bảo mật. Tuy nhiên, cụm mật khẩu dài chứa các từ không có tính kết nối sẽ khiến khó nhớ. Đó là lý do mà người dùng nên xem xét sử dụng trình quản lý mật khẩu.

Quy tắc 6: Không tái sử dụng mật khẩu

Cần luôn lưu ý rằng, việc tái sử sụng mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau là một điều nguy hại. Nếu ai đó có được mật khẩu tái sử dụng trên một tài khoản của người dùng, họ có thể sử dụng cho các tài khoản khác mà người dùng tái sử dụng mật khẩu đó.

Việc sửa đổi mật khẩu gốc bằng cách thêm tiền tố hoặc hậu tố cũng sẽ dẫn đến mối đe dọa tương tự. Ví dụ như PasswordOne, PasswordTwo, cả hai mật khẩu này đều kém an toàn.

Bằng cách sử dụng một mật khẩu riêng biệt với mỗi tài khoản, thì tin tặc có thể xâm nhập một tài khoản nhưng không thể sử dụng nó với những tài khoản còn lại của người dùng.

Quy tắc 7: Tránh sử dụng mật khẩu đã bị đánh cắp

Tin tặc có thể dễ dàng sử dụng các mật khẩu bị đánh cắp hoặc rò rỉ trước đó với công cụ tự động đăng nhập, được gọi là kỹ thuật nhồi thông tin đăng nhập (credential stuffing) để xâm nhập tài khoản. Nếu muốn kiểm tra xem liệu mật khẩu mà người dùng đang có ý định sử dụng đã bị công khai trong web đen trước đó hay chưa, người dùng có thể truy cập trang Have I Been Pwned và tìm kiếm.

Quy tắc 8: Không cần thiết lập lại mật khẩu theo định kỳ

Nhiều năm qua, việc thay đổi mật khẩu sau 60 hoặc 90 ngày là một phương pháp được khuyến nghị rất nhiều, với lý do đây là thời gian cần thiết để mở khóa một mật khẩu.

Tuy nhiên, hiện tại, Microsoft đã khuyến nghị rằng, người dùng không cần thay đổi mật khẩu định kỳ trừ khi nghi ngờ rằng mật khẩu có thể đã bị rò rỉ. Lý do là vì phần lớn người dùng, nếu bị bắt buộc phải thay đổi mật khẩu vài tháng một lần, sẽ dẫn đến thói quen nguy hiểm là tạo những mật khẩu dễ nhớ hoặc viết chúng lên giấy ghi chú và dính lên màn hình máy tính.

Quy tắc 9: Sử dụng xác thực 2 yếu tố (2FA) nhưng tránh mã tin nhắn văn bản

Nếu tin tặc đánh cắp được mật khẩu, người dùng vẫn có thể ngăn chặn tin tặc chiếm quyền truy cập tài khoản bằng xác thực 2 yếu tố (cũng được gọi là xác minh hai bước hoặc 2FA). Đây là một biện pháp bảo mật an toàn, yêu cầu người dùng điền thông tin thứ 2 mà chỉ người dùng mới có (thường là mã dùng một lần) trước khi ứng dụng hoặc dịch vụ cho phép người dùng đăng nhập.

Với biện pháp này, ngay cả khi tin tặc có được mật khẩu nhưng không có thiết bị tin tưởng của người dùng (như điện thoại) và mã xác minh để chứng thực rằng đó là người dùng, thì tin tặc sẽ không thể truy cập được vào tài khoản.

Mặc dù, việc nhận mã bằng tin nhắn văn bản trên điện thoại di động hoặc bằng cách gọi điện trực tiếp trên điện thoại cố định là phổ biến và thuận tiện, thì việc tin tặc đánh cắp số điện thoại qua kỹ thuật gian lận trao đổi SIM (SIM swap fraud) là đơn giản, từ đó có thể chặn bắt mã xác nhận.

Một cách an toàn hơn nhiều để nhận mã xác nhận là người dùng tự tạo và lấy chúng bằng cách dùng ứng dụng xác thực như Authy, Google Authentication hoặc Microsoft Authentiacator. Khi đã thiết lập xong, người dùng có thể chọn đăng ký thiết bị hoặc trình duyệt, từ đó người dùng không cần phải xác thực mỗi lần đăng nhập.

Khi nói đến đảm bảo an toàn mật khẩu, thì sự chủ động bảo vệ của người dùng là biện pháp tốt nhất, trong đó cần biết được liệu email và mật khẩu của người dùng đã bị rò rỉ hay chưa. Và nếu đã phát hiện dữ liệu của mình bị rò rỉ, bài viết sau sẽ hướng dẫn người dùng điều cần thực hiện khi tin tặc có được quyền truy cập tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của người dùng.

















TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Diện mạo huyện Hàm Thuận Bắc sau 40 năm thành lập
  • Phiêu du trên hồ Hàm Thuận
  • Ước Mơ Từ Làng Tập 37 - Huỳnh Thanh Lâm, lớp 12C3 trường THPT Hàm Thuận Bắc
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang