Năm 2024, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số để nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Năm 2023, Công tác cải cách hành chính
được huyện Hàm Thuận Bắc triển khai thực hiện đầy đủ trên 06 lĩnh vực, gồm Cải
cách thể chế, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính
nhà nước, Cải cách chế độ công vụ, công chức, Cải cách tài chính công, Xây dựng
và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trong đó đối với việc giải
quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã có chuyển biến
tích cực trên một số mặt. Rõ nhất là hồ sơ hành chính của người dân được tiếp
nhận và giải quyết cơ bản đúng theo quy định với hơn 90 nghìn hồ sơ; việc tiếp
nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, hồ sơ bưu chính công ích, thanh toán trực
tuyến có tiến bộ hơn, khắc phục dần tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu người
dân khi quan hệ giải quyết thủ tục hành chính.
Về công tác chuyển đổi số, huyện đã chỉ
đạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu chuyển đổi số từ cấp xã đến cấp huyện; triển khai
thử nghiệm truyền thanh thông minh tại 05 xã, thị trấn, là Ma Lâm, Hàm Thắng,
Hàm Liêm, Thuận Hòa và La Dạ; triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến không
dùng tiền mặt tại chợ Ma Lâm và một số hộ buôn bán trên địa bàn thị trấn Ma Lâm
được tiểu thương hưởng ứng tích cực. Triển khai có hiệu quả các nội dung Đề án
06 của Chính phủ, trọng tâm là thực hiện 18/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ
người dân trên môi trường điện tử; tuyên truyền sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ
số, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên ứng dụng VNeID. Đến nay,
các cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế trên địa bàn đều thực hiện khám chữa
bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được,
về công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là công tác
tuyên truyền, phổ biến về lợi ích trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch
vụ công trực tuyến một phần, toàn trình, dịch vụ Bưu chính công ích để người
dân biết, giao dịch chưa thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn chưa
phát huy tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu để kịp thời rà
soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ được giao; hồ
sơ hành chính giải quyết trễ hẹn chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là trên lĩnh vực đất
đai liên quan đến 3 cấp, từ cấp xã đến cấp huyện và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh;
việc trả hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết không kịp thời; thực hiện chưa
nghiêm túc việc ban hành thư xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả đối với các hồ
sơ giải quyết trễ hạn; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến còn thấp; chưa khắc phục
được tình trạng chậm trễ trong xử lý các thông tin về tiếp nhận hồ sơ đầu vào
và xử lý kết thúc hồ sơ đầu ra để đồng bộ trạng thái giữa xử lý hồ sơ giấy với
hồ sơ điện tử.
Về công tác chuyển đổi số gặp khó khăn
về nguồn nhân lực có chuyên môn để tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi
số. Tỷ lệ người dân và tổ chức tham gia thực hiện các dịch vụ công còn hạn chế.
Kiến thức, kỹ năng về sử dụng các thiết bị, phương tiện số của người dân, thành
viên Tổ công nghệ số cộng đồng còn hạn chế. Các sàn thương mại điện tử triển
khai chưa nhiều, sản phẩm cung cấp trên các sàn thương mại còn ít. Triển khai
thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều.
Xác định công tác cải cách hành chính
và chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa quan góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy
nhà nước, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức,
thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã
hội số. Năm 2024, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn
với chuyển đổi số để nâng cao chỉ số cải cách hành chính. quyết tâm phấn đấu năm 2024 chỉ số cải cách
hành chính của huyện được xếp loại Tốt; chuyển đổi số được xếp loại tốt và tiếp
tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong 10 huyện, thị xã, thành phố.
Đối với công tác cải cách hành chính,
huyện đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền dưới nhiều hình thức, làm cho cán
bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa,
vai trò của cải cách hành chính và trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện
nhiệm vụ cải cách hành chính. Coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng
tâm, thường xuyên, liên tục, trong đó rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt
giảm, bãi bỏ các thủ tục hành chính bất hợp lý, chồng chéo, gây phiền hà cho
người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Chấn
chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công
chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho
người dân. Yêu cầu không gây khó khăn, phiền hà cho dân; kiểm tra, kiểm soát chặt
chẽ hồ sơ đầu vào, kịp thời chuyển trả hồ sơ không đủ điều kiện, không để hết
thời hạn giải quyết mới chuyển trả; nếu có hồ sơ trễ hạn phải ban hành thư xin
lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm và hoán
chuyển vị trí công tác những cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, có
hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết
quả hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân hoặc cố tình giải quyết hồ sơ trễ hẹn
nhiều lần mà không có lý do chính đáng.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành,
giữa ngành với UBND các xã, thị trấn và giữa các bộ phận, công chức, viên chức
liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, hiệu
quả và theo đúng quy định, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần nâng
cao chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực
hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức
trong giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở lấy ý kiến về sự hài lòng của tổ
chức, người dân.
Đối
với công tác chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về
chuyển đổi số thông qua các Trang mạng xã hội để nâng cao nhận thức cho người
dân nhằm góp phần triển khai có hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn huyện theo
các kế hoạch đã xây dựng. Rà soát, đề xuất đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết
bị số phục vụ xử lý công việc chuyên môn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bổ sung
kịp thời trang thiết bị phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Bộ phận
một cửa huyện và các xã, thị trấn. Tiếp tục tấp huấn về chuyển đổi số nhằm nâng
cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực
hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Triển
khai các chủ trương, chính sách về thu hút nguồn nhân lực để thực hiện công tác
chuyển đổi số ở huyện và các xã, thị trấn. Phấn đấu xây dựng thành công mô hình
thí điểm Chính quyền số cấp xã tại thị trấn Ma Lâm.
Thành
Khoa