Hàm Thuận Bắc
có thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều danh thắng như hồ Sông
Quao, hồ Hàm Thuận và Đa Mi. Riêng tại xã Đa Mi có thác Chín tầng, thác Sương
mù, đồi Sân bay... với khung cảnh hữu tình, nên thơ và trời mờ sương, se se lạnh
không khác gì xứ sở Đà Lạt mộng mơ. Song đã qua gần 2 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu
Đảng bộ huyện lần thứ IX và lần thứ X mà du lịch vẫn chưa thành hình
UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch
chung và quy hoạch tổng thể Khu du lịch sinh thái hồ Sông Quao và Khu du lịch hồ
Đa Mi và có chủ trương để Công ty TNHH Đất Việt lập quy hoạch chi tiết Khu du
lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đa Mi từ năm 2008, nhưng do vướng mắc về cơ chế, mục
tiêu, quy mô của dự án và hết thời hiệu thực hiện nên đến tháng 8/2014, UBND
tỉnh đã có quyết định bãi bỏ quy hoạch và chỉ đạo các ngành chức năng rà soát,
báo cáo đề xuất cơ chế đầu tư để UBND tỉnh xem xét. Như vậy đã gần 10 năm, gần
hết nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX và lần thứ X mà công tác
quy hoạch phát triển du lịch của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, ách tắc, phải làm
lại từ đầu.
Quyết tâm làm du
lịch
Không thể chỉ là mong muốn, không
thể chờ đợi đến khi du lịch thành hình mà phải chuẩn bị tích cực ngay từ đầu để
hiện thực hóa. Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ trung tâm huyện
lên Đa Mi (ĐT 714), nối liền tour du lịch từ Phan Thiết lên Lâm Đồng, tuyến Đa
Tro đi buôn Tà Mỹ phục vụ khách tham quan thác Chín tầng. Các công trình điện,
nước, văn hóa, y tế đang được đầu tư và hệ thống thông tin, viễn thông đã được
kết nối đến tất cả các xã vùng cao.
Huyện đã triển khai việc quảng bá
tiềm năng du lịch để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là những điểm tham quan hấp dẫn
như thác Chín tầng, thác Sương mù; xây dựng hoàn thành làng nghề truyền thống
dệt thổ cẩm La Dạ; thành lập 2 đội múa cồng chiêng ở các xã Đông Giang, La Dạ và
2 đội văn nghệ Chăm ở Lâm Giang- Hàm Trí và thôn 3 - thị trấn Ma Lâm. Cùng với
khôi phục làng nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Hàm Hiệp, mở rộng vùng rau an toàn
ở các xã Hàm Hiệp, Hàm Thắng và thị trấn Phú Long, nhân rộng mô hình nuôi heo
đen ở các xã vùng cao, nuôi dông thịt ở các xã Hàm Đức, Hồng Sơn, Hồng Liêm...
nhằm tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, giải trí, ẩm thực phục vụ du khách.
Hơn bao giờ hết, cán bộ và nhân dân
trong huyện thấy rõ du lịch sẽ tạo diện mạo mới, sức sống mới cho phát triển
kinh tế, xã hội của huyện, thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dân
đã sẵn sàng làm du lịch và cũng mong rằng có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà
nước để sớm hoàn thành quy hoạch du lịch, cũng như đầu tư về cơ sở vật chất và
các điều kiện bảo đảm cho du lịch phát triển.